Hướng dẫn thủ tục đăng ký xe đạp tại của hàng xe đạp.

1. Các thủ tục đăng ký mã số cho xe đạp

Đăng kí số khung xe đạp 

Khi mua xe đạp tại Nhật, các bạn bắt buộc phải đăng ký số khung xe để chống trộm. Đăng ký số khung xe là thủ tục đăng ký thông tin xe đạp vào cơ sở dữ liệu của cảnh sát, để chúng minh chiếc xe đạp đó thuộc quyền sở hữu của bạn. Nếu xe đạp của bạn bị mất thì việc tìm kiếm cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi bạn mua xe tại cửa hàng, sẽ được nhân viên cửa hàng làm luôn khi mua. Còn khi bạn mua xe đạp từ cửa hàng trực tuyến, bạn sẽ phải tự đi đăng ký số khung chống trộm cho mình.

Nếu trong trường hợp có người nào sử dụng xe đạp của người khác, mà khi bị cảnh sát yêu cầu dừng xe lại để kiểm tra mà không phải xe của mình hoặc xe của bạn bè hoặc người thân, thì trường hợp đó đó có khả năng bị xếp vào trường hợp là xe đạp ăn cắp và sẽ bị bắt giữ. Vì vậy hãy đăng ký mã số xe đạp một cách sớm nhất có thể.

Cách đăng ký mã số khung xe đạp

Đây là một số thứ mà bạn phải mang theo khi đăng ký mã số xe đạp:

  • Thẻ cư trú 在留カード
  • Thẻ bảo hiểm y tế 健康保険
  • Phí đăng ký cho mỗi chiếc xe đạp là 500 yên. Tại các cửa hàng bán xe đạp đều có dịch vụ đăng ký này.
  • Xe đạp mới mua và hóa đơn minh chứng cho việc mua xe đạp.

Tại cửa hàng xe đạp, chỉ cần nói với nhân viên cửa hàng 「防犯登録をお願いします」- 「ぼうはんとうろくをおねがいします」 – Làm hộ tôi thủ tục Đăng ký chống trộm), bạn sẽ nhận được một tờ Đơn đăng ký như hình dưới, bạn hãy điền vào Đơn đăng ký địa chỉ hiện tại của bạn ở Nhật, họ tên và số điện thoại.

Phiếu đăng ký phòng chống trộm cắp xe đạp ở Nhật Bản

Sau khi bạn điền xong, nhân viên tại cửa hàng sẽ xác nhận lại thông tin chiếc xe đạp, điền những phần còn lại trong tờ đơn đăng ký. Sau đó, nhân viên cửa hàng sẽ dán một mảnh giấy niêm phong có ghi mã số đăng ký chống trộm lên chiếc xe đạp của bạn (ảnh dưới):

Cuối cùng, bạn trả phí đăng ký và hoàn tất.

Trong trường hợp bạn không mua xe mới mà mua lại từ một người khác, bạn cần có giấy tờ chuyển nhượng. Nếu bạn không có khi cảnh sát yêu cầu bạn xuất trình, bạn sẽ bị xử phạt theo quy định.

Trong trường hợp bạn nhận được xe từ người thân, bạn bè vì họ không sử dụng xe trong thời gian dài, nhưng họ không có đủ giấy tờ hoặc đã làm mất giấy tờ, bạn vẫn có thể đi đăng ký mới. Bạn sẽ được cấp một mẫu đơn đăng ký và bạn điền đầy đủ thông tin vào, sau đó tới nộp tại các trạm cảnh sát hoặc nơi bán xe đạp là được.

2. Một số điều cần lưu ý khi đi xe đạp ở Nhật Bản

2.1 Tuân thủ Luật Giao thông

Từ tháng 06/2015 trở đi, khi tham gia giao thông bằng xe đạp tại Nhật Bản, các bạn nên chú ý quy định mới của bằng vé xanh một cách đơn giản hơn hiện giờ rất nhiều.

Một số hành vi sau khi đi xe đạp tại Nhật Bản được coi là đối tượng bị phạt, nên các bạn hãy cực kỳ chú ý nhé:

  1. Đi vượt đèn đỏ.
  2. Đi xe đạp vào đường cấm.
  3. Phóng nhanh ở tuyến đường chuyên dành cho người đi bộ.
  4. Đi xe đạp sai làn đường.
  5. Đi xe cản trở người đi bộ ở vệ đường không có vỉa hè.
  6. Đi xe đạp vào khu vực đang chắn tàu điện.
  7. Gây cản trở xe cộ giao thông chiều ưu tiên ở ngã giao thông.
  8. Gây cản trở xe cộ rẽ phải ở ngã giao thông.
  9. Đi xe sai quy định đường an toàn ở bùng binh (ngã rẽ vòng tròn).
  10. Không cho xe tạm dừng ở trước biển tạm dừng (ở các ngã rẽ nhỏ vắng người).
  11. Gây cản trở người đi bộ trên vỉa hè.
  12. Đi xe đạp mà không có phanh.
  13. Uống rượu, bia trước khi đi xe đạp.
  14. Vi phạm các quy định lái xe an toàn như bên dưới:
  • Đi xe đạp buổi tối bắt buộc phải bật đèn.
  • Không giàn hàng ngang và chạy song song với các xe khác.
  • Phải tuân thủ và đi theo tín hiệu các đèn ở nút giao thông có đèn tín hiệu. Ở nơi mà trên vỉa hè có làn đường dành cho xe đạp thì hãy đi trên làn đường đó.
  • Nghiêm cấm sử dụng ô, điện thoại hay nghe nhạc trong quá trình di chuyển.
  • Không được phép chở người lớn sau xe, được phép chở trẻ em.
Các mức phạt cho hành vi vi phạm luật giao thông khi sử dụng xe đạp

*Về việc rẽ phải:

Ở Nhật Bản, người ta đi ở bên trái nên bạn không đơn giản mà rẽ phải được (ngay cả rẽ trái cũng phải đợt đèn xanh). Với đường có 3 làn xe trở lên bạn phải rẽ phải theo 2 giai đoạn, phải đi qua góc ngã tư đối diện đợi tiếp đèn xanh ở đó. Đây gọi là 二段右折 (nidan usetsu) tức là “rẽ phải theo hai giai đoạn”. Hãy xem hình minh họa bên dưới. Nếu bạn quẹo phải như xe máy, xe hơi, bạn đã vượt đèn đỏ và sẽ bị xử phạt.

*Khi gây ra tai nạn:

Phải bồi thường thiệt hại tài sản, thân thể, có thể từ 100 man (1.000.000 yen) tới vài sen man (vài chục triệu yên). Có trường hợp gây tổn thương não, hay tử vong cho người đi bộ phải bồi thường 30,000,000 yên, tức là tương đương với mansion ở Tokyo. Vì thế cần phải tuyệt đối tránh gây tai nạn. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm để đề phòng. Hãy xin tư vấn trường Nhật ngữ nếu định mua bảo hiểm.

2.2 Một số điều cần chú ý khác

  • Phải khóa xe đạp cẩn thận

 Nếu bạn không khóa xe đạp thì coi chừng mất xe vì tuy không có nhiều người phá khóa lấy cắp xe, nhưng nếu bạn không khóa thì nhiều người đang vội họ cũng mượn tạm rồi lấy luôn. Hoặc họ đi quãng đường của họ xong họ quẳng ở ga hay nơi nào đó không ai biết. Khi mua xe đạp, bạn thường có thêm khóa và bạn sẽ có 2 chìa, hãy cất 1 chìa ở nhà còn 1 chìa cầm theo để khóa xe. Đừng nghĩ “Mình mua ít đồ rồi ra ngay ý mà” vì thời gian lấy xe đạp cũng chỉ cần vài giây (bằng thời gian nhảy lên yên xe và đạp đi). Bạn cũng có thể mua khóa số ở cửa hàng 100 Yên để khóa xe cho tiện.

  • Sửa xe đạp bị nổ lốp

Xe đạp có thể bị nổ lốp và tiếng Nhật nổ lốp gọi là パンク (panku). Bạn có thể ra tiệm sửa xe đạp (khá hiếm) hoặc chỗ bán xe nếu họ bán xe. Giá vá xe là tầm 1,000 ~ 2,000 yên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mua miếng vá xe ở cửa hàng 100 yên và tự vá.

Cách làm: Vào cửa hàng 100 yên mua miếng và xe và bộ sửa xe (bộ công cụ để tháo săm lốp) về nhà, nhớ phải có cả búa nhựa hoặc gỗ cũng như bơm xe (có thể mua ở hàng 100 yên hay mua bơm xịn ở cửa hàng xe đạp). Sau đó đổ nước vào thau, tháo lốp, lôi săm ra, bơm căng và cho săm đã bơm vào chậu nước.

Chỗ thủng thì sẽ có bọt khí nổi lên, lấy que tăm nhỏ đánh dấu chỗ đó bằng cách cắm vào. Chú ý là bạn phải kiểm tra toàn bộ săm vì có thể có vài chỗ thủng.

Sau đó tháo hết khí ra, lau khô săm, làm theo hướng dẫn trên bao miếng dán (thường là tháo miếng dán, dán vào lấy búa gõ cho dính chặt).

  • Chữa lỗi tuột xích

Đang đi mà bị tuột xích thì sao? Bạn hì hục mãi mà không lắp lại được. Vì bạn không biết cách! Cách để sửa lỗi tuột xích xe đạp là tháo xích ở cả hai bánh răng ra, sau đó lắp lại xích vào bánh răng lớn (chỗ pedal) trước, rồi mới phủ xích lên một phần bánh răng ở trục bánh sau và kéo bằng cách quay pedal để xích khớp vào bánh răng.

Vì sao bạn không sửa được tuột xích? Bởi vì thường bị tuột ở bánh răng pedal và bạn cố gắng để lắp lại xích ở đây. Cách này có thể mất nửa ngày và 50% năng lượng cơ thể. Bạn cần tháo cả ở bánh răng sau ra rồi mới lắp được vào bánh răng trước (ở pedal) rồi mới lắp vào bánh răng ở trục bánh sau. Làm gì cũng phải đúng trình tự.

  • Chú ý khi để xe đạp tại ga, nơi công cộng…

Những nơi có ghi 自転車放置禁止 hay 自転車等放置禁止区域  thì bạn không được để xe. Nếu để xe có thể bị dán cảnh cáo và/hoặc bị giữ xe (gọi là 撤去 – Tekkyo) về bãi. Nếu bị hốt xe phải mang giấy tờ tới chuộc, tốn khoảng 3.000 yên. Bạn cũng cần biết là bị hốt ở đâu để tìm được bãi chứa xe tương ứng. Nếu không nhớ sẽ mất xe. Nếu không đăng ký mã số chống trộm cắp ở trên cũng mất xe.

撤去 – Bắt giữ xe đạp ở Nhật Bản

Một số nơi họ dán cảnh cáo (警告 – Keikoku) trước, sau một thời gian không lấy xe họ mới hốt xe.

Một số ga có bãi để xe đạp riêng và bạn cần để xe đạp vào bãi. Chú ý là không để qua đêm, nếu để qua đêm có thể cũng sẽ bị hốt xe và di chuyển về bãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *